Vào lúc 9h00 sáng ngày 29/9/2022 tại Trung tâm Thư viện, Trường Đại học Bạc Liêu, TS. Tiền Hải Lý (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu) và Bà Nguyễn Duy Kim Hằng (Giám đốc Nhân sự Công ty Việt – Úc) đã ký Kế hoạch Hợp tác đào tạo “Kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao”.
Tham dự Hội nghị, về phía Trường Đại học Bạc Liêu có TS. Ngô Đức Lưu (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường), TS. Tiền Hải Lý (Phó Hiệu trưởng), quý thầy cô đại diện lãnh đạo Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Đào tạo, Phòng QLKH-HTQT, giảng viên và đại diện sinh viên Bộ môn Nuôi trồng Thủy sản – Khoa Nông nghiệp; về phía Công ty Việt – Úc có Bà Nguyễn Duy Kim Hằng (GĐ Nhân sự), Ông Lương Văn Thanh (GĐ điều hành Việt – Úc Bạc Liêu), Ông Võ Văn Xuân (GĐ điều hành Việt – Úc Nhà Mát), Ông Trần Bé Sáu (GĐ điều hành Nhà máy chế biến), Ông Nguyễn Thành Bon (GĐ điều hành Việt – Úc Hòa Bình) cùng các Trưởng/Phó phòng đại diện Công ty.
Tại buổi lễ ký kết, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về việc hợp tác đào tạo “Kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao” nói chung và đào tạo lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao bạt” nói riêng nhằm giúp cho công tác đào tạo đạt được chất lượng và hiệu quả tốt nhất.
Kết luận buổi Hội nghị, TS. Tiền Hải Lý đánh giá cao về Kế hoạch hợp tác đào tạo, thống nhất thực hiện. Việc ký kết hợp tác đào tạo giữa hai đơn vị là một bước phát triển trong việc triển khai các kế hoạch cụ thể trong Bản ghi nhớ giữa Trường Đại học Bạc Liêu và Tập đoàn Việt – Úc về phối hợp đào tạo kỹ năng, kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực thủy sản; gắn kết thực tiễn nhằm phục vụ cộng đồng; quảng bá, truyền thông thương hiệu.
Lớp tập huấn đào tạo “Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao bạt” với thời gian toàn khóa là 04 tháng (trong đó 01 tháng lý thuyết tại Trường Đại học Bạc Liêu và 03 tháng thực hành trực tiếp tại Công ty Việt – Úc). Sau khi hoàn thành khóa học, người học sẽ được cấp giấy chứng nhận do Trường Đại học Bạc Liêu và Tập đoàn Việt – Úc đồng tổ chức và sẽ được các công ty trực thuộc Tập đoàn tuyển dụng vào nuôi tôm trực tiếp tại công ty hoặc có thể tham gia nuôi tôm tại các cơ sở nuôi tôm khác có cùng điều kiện mô hình nuôi hoặc tự tổ chức nuôi tôm tại nhà. Như vậy, với việc tham gia lớp tập huấn, người học hoàn toàn yên tâm về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm sau khi hoàn thành khóa học.
Tỉnh Bạc Liêu là thủ phủ tôm, hiện có rất nhiều tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, các cơ sở đầu tư và phát triển mở rộng nuôi tôm tại Bạc Liêu, do đó, việc tổ chức khóa tập huấn sẽ góp phần đào tạo những công nhân có kiến thức và tay nghề nuôi tôm, bổ sung nguồn lực lao động có tay nghề cho tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng Bán đảo Cà Mau nói chung.
Một số hình ảnh tại hội nghị