Thứ 7, 20/04/2024

Hội thảo khoa học: Hiện trạng và giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL

17/10/2020

Chiều 17/10/2020, Trường Đại học Bạc Liêu phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học “Hiện trạng và giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL”.

Tham dự hội thảo có PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu (ĐHBL), Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ; PGS.TS Trần Đắc Định – Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT); PGS.TS Nguyễn Thanh Long –(ĐHCT); TS. Hà Phước Hùng (ĐHCT); ông Đỗ Chí Sĩ – Chi cục Thủy sản Cà Mau; ông Hồ Hoàn Kiếm – Chi cục Thủy sản Bạc Liêu; Đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành, Chi cục; Lãnh đạo Hội Khoa học – Kỹ thuật, Hội Nông dân; Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (TPHCM), Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam (Vũng Tàu);  Lãnh đạo địa phương vùng ven biển; Doanh nghiệp và ngư dân các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre; cùng Lãnh đạo và các giảng viên Khoa Nông nghiệp trường ĐHBL.

PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng trường ĐHBL

Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng trường ĐHBL, Giám đốc chương trình Tây Nam Bộ cho biết: Đây là chương trình khoa học cấp quốc gia, phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, do Bộ KH-CN giao cho Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì. Đến thời điểm này đã triển khai được 62 nhiệm vụ, trong đó có 41 nhiệm vụ thuộc Khoa học Tự nhiên, khoa học Công nghệ và Môi trường. Một trong những mảng thủy sản và đặc biệt là quan tâm đến các giá trị kinh tế biển cũng như bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ là một trong các nhiệm vụ trọng yếu đối với chương trình Tây Nam Bộ. Chương trình đã đánh giá cao những giá trị mà Trường Đại học Cần Thơ đem đến cho Hội thảo thông qua PGS.TS Trần Đắc Định – Chủ nhiệm đề tài.

PGS.TS Trần Đắc Định – Trường Đại học Cần Thơ

Tại hội thảo, nhóm chủ nhiệm đề tài PGS.TS Nguyễn Thanh Long (ĐHCT) báo cáo hiện trạng nghề cá ĐBSCL. Qua đó đại biểu thấy được những khó khăn của nghề cá ở ĐBSCL như thời tiết thất thường, sản lượng khai thác giảm, thiếu vốn đầu tư,  giá bán thấp, chi phí cao và sự cạnh tranh về ngư trường. Bên cạnh đó ông có những đề xuất phát triển nghề cá bền vững ở ĐBSCL như: (1) Nghiên cứu, quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, ban hành các chính sách quản lý nghề cá;(2) Đẩy mạnh quản lý nghề khai thác thủy sản, thực hiện khai thác thủy sản bền vững hay khai thác thủy sản có trách nhiệm; (3) Hiện đại hóa nghề khai thác thủy sản để khai thác xa bờ, giảm áp lực khai thác ven bờ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản; (4) Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, cán bộ quản lý cho ngành khai thác và quản lý nguồn lợi thủy sản.

PGS.TS Nguyễn Thanh Long – Trường Đại học Cần Thơ

Qua tham luận của ông Đỗ Chí Sĩ – Chi cục Thủy sản Cà Mau về thực trạng khai thác thủy sản ở Cà Mau trình bày thì nguồn lợi thủy sản Tỉnh Cà Mau đang suy giảm, nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân sử dụng các phương pháp khai thác mang tính hủy diệt như: te, đáy, chất nổ, kích điện, hóa chất độc hại… cường lực khai thác tăng, sản lượng đánh bắt đã vượt ngưỡng cho phép, môi trường vùng nước ven bờ bị ô nhiễm dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt, biến đổi khí hậu..

ông Đỗ Chí Sĩ – Chi cục Thủy sản Cà Mau

Theo ông Hồ Hoàn Kiếm – Chi cục Thủy sản Bạc Liêu báo cáo thực trạng khai thác thủy sản ở Bạc Liêu cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Khắc phục cảnh báo Thẻ vàng của EC đối với khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khai thác IUU…; Lao động khai thác thủy sản đa số trình độ thấp và thiếu nguồn lao động đi trên các tàu cá, bên cạnh cơ sở hạ tầng như cảng cá Gành Hào là cảng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố là cảng cá chỉ định để xác nhận nhiên liệu thủy sản từ khai thác nhưng hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo vệ sinh môi trường, không đáp ứng nhu cầu khai thác…Các cơ chế chính sách đầu tư cho hoạt động khai thác thủy sản được triển khai nhưng còn chậm, thiếu nguồn vốn…

ông Hồ Hoàn Kiếm – Chi cục Thủy sản Bạc Liêu

theo nhận định đặc điểm nguồn lợi thủy sản ven bờ hiện nay như phần báo cáo tham luận trên, TS. Hà Phước Hùng (ĐHCT) đưa ra những yêu cầu cần thiết phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ như: (1) Tái tạo lại các đặc điểm tự nhiên vùng ven biển. (2) Hạn chế khai thác vùng ven bờ. (3) Không sử dụng ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi và ông cũng đưa ra các giải pháp phát triển nghề cá xa bờ như: (1) Thành lập các tổ, đội, công ty khai thác xa bờ, (2) Xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, (3) Lực lượng kiểm ngư phải hướng dẫn, kiểm soát ngư trường khai thác, (4) Lực lượng cảnh sát biển, hải quân phải là điểm tựa và bảo vệ ngư dân, (5) Hỗ trợ thành lập các công ty, tập đoàn khai thác địa phương. Ngoài ra cần khuyến khích chọn nghề phù hợp để khai thác vùng xa bờ, nâng cao năng lực tàu thuyền và đội ngũ thuyền viên, khai thác mang tính hỗ trợ lẫn nhau, phối hợp chống thiên tai và chống quấy phá.

TS. Hà Phước Hùng – Trường Đại học Cần Thơ

Đại biểu hội thảo cũng đã thảo luận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện dự án “Hiện trạng và giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL” đến với địa phương, người dân Bạc Liêu.

Chiều cùng ngày, đại biểu còn tham quan cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tỉnh Bạc Liêu. Qua đó giới thiệu về hoạt động của cảng cá, các loại nghề khai thác chủ yếu ở Bạc Liêu nói chung và Gành Hào nói riêng, hoạt động của các nghề khai thác vùng xa bờ và Ban Quản lý cảng cá.

      Tin: Phòng CTCT-QLSV

02913822653
mail@blu.edu.vn