Thứ 6, 29/03/2024

Hội Thảo khoa học: Sử dụng dược liệu hỗ trợ phòng và trị bệnh trên tôm, cá vùng Tây Nam Bộ

06/11/2020

Hiện nay, bên cạnh những thiệt hại mang lại từ biến đổi khí hậu, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, gây khó khăn trong chiến lược phát triển kinh tế bền vừng vùng Tây Nam Bộ.

Theo đó, Sáng 06/11/2020, Trường Đại học Bạc Liêu phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề Sử dụng dược liệu hỗ trợ phòng và trị bệnh trên tôm, cá  vùng Tây Nam Bộ. Tham dự hội thảo có PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu, Giám đốc Chương trình Tây Nam Bộ; TS. Nguyễn Xuân Khoa – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Bạc Liêu; ông Đặng Quốc Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn SeafoodWorld; ông Trình Trung Phi – Giám đốc Tập đoàn Việt Úc; đến dự còn có đại diện các Sở, ngành cấp tỉnh; các Viện, trường đại học; Hội Nông dân và nông dân nuôi tôm Bạc Liêu; cùng hơn 10 Doanh nghiệp – HTX thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu khai mạc PGS.TS Từ Diệp Công Thành cho biết, hội thảo nhằm báo cáo kết quả thực hiện dự án khoa học và công nghệ đến với địa phương, các nhà khoa học, người dân trong tỉnh về hiệu quả của đề tài Sử dụng dược liệu hỗ trợ phòng và trị bệnh trên tôm, cá vùng Tây Nam Bộ. Đây là đề tài thuộc chương trình Tây Nam Bộ do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì và TS. Phùng Văn Trung làm chủ nhiệm.

Theo báo cáo của TS. Trần Thị Bé – Trường Đại học Bạc Liêu, từ đầu năm 2020 đến tháng 06/2020, có gần 16.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại, trong đó khoảng 990 ha là thiệt hại do bệnh, khoảng 470 ha thiệt hại do môi trường. So với cùng kỳ năm 2019, tổng diện tích thiệt hại tăng 3,3 lần, nguyên nhân chủ yếu là do các vấn đề về bệnh và môi trường. Hiện nay tình hình nhiễm EHP trên tôm nuôi đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam và đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Kết quả điều tra 160 hộ nuôi tôm và phân tích160 mẫu tôm thẻ chân trắng ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (2019) cho thấy tỷ lệ nhiễm EHP là cao nhất (34 – 48%) và tỷ lệ nhiễm Vibrio parahaemolyticus chiếm 10 – 20%. Tỷ lệ tôm nhiễm WSSV chiếm khoảng <10%.

ông Trình Trung Phi – Giám đốc kỹ thuật, Tập đoàn Việt Úc

Bên cạnh đó ông Trình Trung Phi – Giám đốc kỹ thuật, Tập đoàn Việt Úc cũng trình bày một số giải pháp phòng trị bệnh trên tôm thẻ chân trắng nuôi siêu thâm canh mà công ty này đang áp dụng một cách có hiệu quả.

TS. Phùng Văn Trung – Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Song song với chế phẩm sinh học đang được ứng dụng phòng điều trị bệnh trên tôm cá hiện nay, thì thảo dược là hướng mới an toàn và thân thiện với môi trường, TS. Phùng Văn Trung – Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, trình bày những nghiên cứu sử dụng dược liệu trên một số vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cho tôm và gan thận mủ cho cá tra. Theo ông, nghiên cứu và phát triển cây dược liệu là một định hướng chiến lược của nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng, nhằm bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên, Việt nam sẽ quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm để lựa chon và khai thác hợp lý 24 loài, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu mỗi năm. Từ đó, qua sàng lọc, chiết xuất và thử nghiệm các cây dược liệu có khả năng diệt các vi khuẩn gây bệnh trên tôm cá như: cây Núc nác chứa Baicalin Edward 8mm và Aloin Edward 12mm; cây Muồng trâu chứa Rhein V.Algino Edward 12mm và Baicalein Edward 10mm; cây Đại hoàng chứa Emodin Edward 10mm, cây Hoàng kỳ chứa Astragaloside Edward 9mm; cây Vàng đắng chứa Berberine Edward 10mm và Palmatin Edward 7mm; cây Xuyên tâm liên chứa Mangiferin Edward 10mm và Andrographolide Edward 10mm. TS. Phùng Văn Trung kết luân rằng có nhiều cây dược liệu tại vùng Tây Nam Bộ có hiệu quả tốt với bệnh hoại tử gan tụy trên tôm và gan thận mủ trên cá, nhiều nhóm chất có tác dụng diệt khuẩn trong đó đa số là Anthraquinone.

TS. Lê Thị Bạch – Trường Đại học Cần Thơ

Đại biểu còn được biết thêm giá trị công dụng của Cỏ sữa lá lớn thông qua đề tài nghiên cứu của TS. Lê Thị Bạch – Trường Đại học Cần Thơ, trong việc tăng cường miễn dịch cho cá tra. Qua sàng lọc 20 loài dược thảo cá khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho cá tra thì Cỏ sữa lá lớn là đối tượng nghiên cứu về hóa thực vật. Cỏ sữa lá lớn có tên khoa học Euphorbia hirta L. thuộc họ thầu dầu, phân bố chủ yếu ở các nước thuộc khu vực nhiệt đới Đông Nam Á, Nam Á. Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở khắp nơi, có tác dụng tốt trong điều trị bệnh và đã phân lập, xác định được cấu trúc của 22 hợp chất. Sau đó cao chiết Cỏ sữa lá lớn và các hợp chất khảo nghiệm có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cá tra thông qua việc gia tăng hoạt tính Lysozyme, bổ thể và tổng kháng thể.

ông Đặng Quốc Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn SeafoodWorld

Hội thảo đã đem đến nhiều kiến thức  hết sức bổ ích và tại đây các đại biểu cũng đã thảo luận và đánh giá cao các kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài, đồng thời cũng có những ý kiến đề xuất đóng góp cho đề tài hoàn thiện hơn và sớm triển khai vào thực tiễn nhằm giảm chi phí cho người dân và đặc biệt là hạn chế gây ô nhiểm môi trường, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiên nay.

Tin: P.CTCT-QLSV

02913822653
mail@blu.edu.vn