Thứ 7, 20/04/2024

Hội Thảo khoa học: Ứng dụng Prebiotic Lactic để tăng cường khả năng kháng bệnh EMS ở tôm sú và tôm thẻ chân trắng

24/10/2020

Sáng 24/10/2020, Trường Đại học Bạc Liêu phối hợp với Trường Đại học An Giang tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng prebiotic Lactic để tăng cường khả năng kháng bệnh EMS ở tôm sú và tôm thẻ chân trắng”. Tham dự hội thảo có PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu, Giám đốc Chương trình Tây Nam Bộ; PGS. TS Trần Văn Đạt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang; TS. Vũ Anh Tuấn – Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II; Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh; Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; Sở GD – KHCN; Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bạc Liêu; Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty; đại diện các hợp tác xã, các hộ nuôi tôm trên toàn tỉnh…

Dẫn lời buổi Hội thảo PGS.TS Từ Diệp Công Thành phát biểu: Hội thảo lần này nhằm báo cáo kết quả thực hiện dự án khoa học và công nghệ đến với địa phương, các nhà khoa học, người dân trong tỉnh về hiệu quả phòng bệnh trên tôm từ nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất prebiotic từ vi khuẩn Lactic ứng dụng trong sản suất thức ăn cho tôm góp phần hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp. Đây là đề tài thuộc chương trình Tây Nam Bộ do Trường Đại học An Giang chủ trì và TS.Nguyễn Hữu Thanh làm chủ nhiệm.

TS.Nguyễn Hữu Thanh – chủ nhiệm đề tài

Báo cáo tham luận tại Hội thảo, qua thực trạng và hiệu quả của công tác quản lý bệnh tôm tại Bạc Liêu, bà Phạm Thị Hồng – Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm Chi cục chăn nuôi – thú y Bạc Liêu cho biết, hiện nay tỉnh Bạc Liêu tiến hành đồng thời 3 kế hoạch: (1) Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm; (2) Kế hoạch giám sát tôm vùng đệm xung quanh cơ sở an toàn dịch bệnh của Công ty cổ phần Việt Úc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình; (3) Kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 – 2020. Đó là 3 kế hoach chủ yếu trong công tác quản lý dịch bệnh trên tôm, đồng thời cũng đạt được một số kết quả nhất định và để hiệu quả tốt hơn, bà Phạm Thị Hồng cũng lưu ý người dân nuôi tôm tuân thủ theo lịch mùa vụ, khuyến cáo của chuyên gia; các ban ngành địa phương phối hợp đồng bộ với cơ quan chuyên môn trong công tác giám sát dịch bệnh và công tác tuyên truyền, cũng như tập trung nguồn lực kinh phí thực hiện những mô hình điểm phục vụ cho xuất khẩu.

bà Phạm Thị Hồng – Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm Chi cục chăn nuôi – thú y Bạc Liêu

Theo đó, để khắc phục các bệnh ở tôm sú và tôm thẻ chân trắng nhằm nâng cao sản lượng ngành tôm TS. Nguyễn Hữu Yến Nhi – Trường Đại học An Giang phân tích vai trò của Prebiotic Lactic là các hợp chất tiền sinh học với khả năng chỉ được tiêu hóa bởi các probiotic; đồng thời kích thích tăng trưởng, hạn chế vi khuẩn có hại hiện diện trong cơ thể sinh học và nâng cao khả năng miễn dịch của tôm; prebiotic lactic còn thay đổi được thành phần và hàm lượng vi khuẩn đường ruột và tăng tỉ lệ sống của tôm. TS. Nguyễn Hữu Yến Nhi kết luận rằng: Sản phẩm prebiotic ESP (Extra Polymer substrances) khi bổ sung vào thức ăn cho tôm sẽ cho những kết quả như: (1) Hỗ trợ tăng trưởng; (2) Nâng cao tỉ lệ sống; (3) Tăng cường vi khuẩn lactic có lợi trong đường ruột; (4) hạn chế vi khuẩn gây hại trong ruột; (5) Đáp ứng khả năng nâng cao sức sống cho tôm chống bệnh EMS.

TS. Nguyễn Hữu Yến Nhi – Trường Đại học An Giang

Đồng thời TS. Nguyễn Hữu Thanh – Trường Đại học An Giang cũng đã trình bày Quy trình sản xuất prebiotic từ vi khuẩn Lactic ứng dụng trong sản xuất thức ăn cho tôm nhằm hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp. TS Nguyễn Hữu Thanh là chủ nhiệm đề tài.

TS. Tiền Hải Lý – Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Bạc Liêu

Bên cạnh mảng đề tài Prebiotic lactic đại biểu còn được nghe TS. Tiền Hải Lý – Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Bạc Liêu báo cáo đề tài sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trên hồ nuôi HDPE KN 94 mà ông cùng nhóm tác giả đã thực hiện tại Công ty Khôi Nguyên tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua.

TS. Vũ Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2

ThS. Phạm Hoàng Minh – Giám đốc BQL khu NN UDCNC phát triển tôm Bạc Liêu

Các đại biểu đã thảo luận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài, đồng thời cũng có những ý kiến đề xuất đóng góp cho đề tài hoàn thiện hơn và sớm triển khai đến người dân.

Tin: P.CTCT-QLSV

02913822653
mail@blu.edu.vn