Thực hiện Quyết định số 249/QĐ-ĐHBL ngày 09/4/2024 của Hiệu trưởng trường Đại học Bạc Liêu (ĐHBL), lúc 15h00 ngày 23/4/2024, tại phòng họp số 1, Trung tâm Thông tin thư viện, Trường ĐHBL tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu chính thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2023.
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài gồm có:
- TS. Ngô Đức Lưu – Hội đồng Trường, Trường ĐHBL - Chủ tịch hội đồng;
- Mời ThS. Giang Văn Tuy – Phó Chi cục trưởng - CC Quản lý đất đai – Sở TNMT Bạc Liêu - UV Phản biện 1;
- Mời Ông Phan Văn Công Luận – Trưởng Phòng Kinh tế Đối ngoại - Sở KHĐT- Bạc Liêu – UV Phản biện 2;
- ThS. Lâm Quốc Huy – Khoa NN - Trường ĐHBL - Ủy viên;
- ThS. Phạm Đình Trí – Phòng QLKH&HTQT - Ủy viên.
Đề tài “Ứng dụng ảnh viễn thám radar Sentinel-1 đa thời gian trong giám sát các dự án điện gió khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu” được thực hiện bởi TS. Ngô Đức Khánh - Khoa Nông nghiệp (chủ nhiệm), ThS. Phạm Trần Thùy Linh - Phòng QLKH-HTQT, Trường ĐHBL (thư ký).
Chủ nhiệm đề tài cơ bản đã đạt được mục tiêu chính là:
+ Xây dựng một phương pháp mới về xử lý ảnh viễn thám radar Sentinel-1 đa thời gian trong việc dò tìm các công trình điện gió được xây dựng trên khu vực ven biển tại tỉnh Bạc Liêu.
+ Ứng dụng ảnh viễn thám radar Sentinel-1 đa thời gian trong giảng dạy sinh viên ngành Khoa học môi trường, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Bạc Liêu và ứng dụng trong giám sát các dự án điện gió khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu.
Đề tài này trình bày phương pháp mới trong việc dò tìm và vẽ bản đồ cấu trúc xây dựng kiên cố (các tua-bin gió) trên khu vực ven biển. Thông tin trên ảnh radar bị nhiễu do kích thước khung ảnh quét rộng (250 km) và có góc tới rất lớn (nằm trong khoảng 200 - 460). Ngoài ra, hướng bay của vệ tinh (hướng Bắc-Nam hoặc Nam-Bắc) cũng có thể gây ra sự nhiễu lệch thông tin trên ảnh radar. Các nghiên cứu về ứng dựng ảnh viễn thám radar trước đây chủ yếu sử dụng các thuật toán máy học (Machine Learning) bao gồm phân lớp có kiểm soát và không kiểm soát. Việc sử dụng các kỹ thuật phân lớp này dẫn đến độ chính xác không cao bởi vì nhiều yếu tố khách quan như: thông tin trên ảnh bị nhiễu do ảnh hưởng của góc tới (incidence angle), cách lấy mẫu trên ảnh radar (sampling methods), số lượng mẫu cần lấy trên ảnh (number of samples) và số lượng ảnh làm dữ liệu đầu vào để thuật toán thực hiện phân lớp. Để hạn chế các yếu tố làm giảm độ chính xác của kết quả phân lớp, nghiên cứu này đưa ra một phương pháp mới - phương pháp sử dụng không gian phân cực hai chiều (2-dimension space) nhằm loại bỏ các yếu tố gây nhiễu tín hiệu trên ảnh radar do góc tới của vệ tinh tạo ảnh và do hướng bay của vệ tinh.
Đề tài này trình bày ứng dụng công nghệ viễn thám radar vào việc thành lập bản đồ các cấu trúc xây dựng kiên cố trên khu vực ven biển. Từ dữ liệu ảnh viễn thám, bản đồ các cấu trúc xây dựng kiên cố có thể được trình bày theo từng năm để thấy được sự phát triển các dự án qua từng giai đoạn khác nhau. Kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp kiến thức (phương pháp xử lý ảnh radar đa thời gian) cho sinh viên ngành khoa học môi trường về việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong việc giám sát các hoạt động của con người có tác động đối với môi trường. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo cho việc quản lý sự phát triển của các dự án điện gió khu vực ven biển và làm cơ sở dữ liệu cho công tác đánh giá tác động môi trường trong tương lai.
Sau hơn 2 giờ làm việc tích cực, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội đồng đã thảo luận và thống nhất xếp loại Đạt đề tài “Ứng dụng ảnh viễn thám radar Sentinel-1 đa thời gian trong giám sát các dự án điện gió khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu” của TS. Ngô Đức Khánh - Khoa Nông nghiệp.
Tin và ảnh: Phòng QLKH-HTQT