Thứ 7, 27/07/2024

Giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu có công trình khoa học đoạt giải Ba, Giải Thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, năm 2023

03/05/2024

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Giải thưởng) do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) là cơ quan thường trực tổ chức hàng năm để xét tặng cho các tác giả có những công trình có giá trị khoa học - kinh tế - xã hội lớn, được thực hiện tại Việt Nam nhằm khích lệ, tôn vinh và công nhận sự đóng góp nổi bật của các tác giả và nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các thành tựu Khoa học Công nghệ (KHCN) tiên tiến vào phục vụ sản xuất và đời sống để mang lại hiệu quả kinh tế xã hội ngày càng cao.

TS. Đặng Nguyệt Quế chụp ảnh lưu niệm cùng Đ/c Phạm Văn Thiều, CT UBND tỉnh tại Lễ tổng kết trao giải – phát động Hội thi STKT tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: T.T

Theo thông báo kết quả Giải thưởng năm 2023 của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam; tỉnh Bạc Liêu có 01 công trình  “Nghiên cứu và ứng dụng xạ khuẩn trong phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa do nấm Pyricularia oryzae Cav. gây ra trên vùng đất nhiễm mặn” của tác giả TS. Đặng Nguyệt Quế, Phó trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Trường Đại học Bạc Liêu, xuất sắc đoạt giải Ba. Chương trình công bố vinh danh trao Giải thưởng sẽ được diễn ra vào cuối tháng 5/2024 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu đoạt Giải thưởng này. Công trình này được nghiên cứu từ 2015 đến 2019 và công bố năm 2023. Công trình tham gia Giải thưởng là giải pháp giải quyết được yêu cầu cấp thiết là tìm ra được chủng xạ khuẩn S09-MBL (Streptomyces bikiniensis) và S17-MBL (Streptomyces lavendulae) có hiệu quả phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa do nấm Pyricularia oryzae (P.oryzae) gây ra trên vùng đất nhiễm mặn. Hai chủng xạ khuẩn S09-MBL và S17-MBL đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh tế, xã hội và đặc biệt là hiệu quả về mặt môi trường. Có thể thay thế thuốc hoá học phòng trị hiệu quả bệnh đạo ôn, chi phí thấp, giảm sử dụng thuốc hoá học, thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ sức khoẻ tôm nuôi trong ruộng lúa, an toàn cho sức khoẻ của người nông dân canh tác lúa và người tiêu dùng sản phẩm.

Ưu điểm của công trình nghiên cứu là chọn chủng xạ khuẩn có khả năng chịu mặn và đối kháng tốt với nấm Pyricularia oryzae trong điều kiện phòng thí nghiệm. Nghiên cứu cơ chế đối kháng thông qua khả năng tiết enzyme chitinase phân giải chitin và β-1,3-glucanase phân giải β-1,3-glucan của các chủng xạ khuẩn có triển vọng. Định danh các chủng xạ khuẩn có triển vọng đến mức độ loài. Đánh giá khả năng phòng trị bệnh đạo ôn của các chủng xạ khuẩn trong điều kiện nhà lưới. Đánh giá hiệu quả phòng trị bệnh đạo ôn của các chủng xạ khuẩn chịu mặn được chọn ở điều kiện ngoài đồng.

Ghi nhận ý kiến đánh giá của PGS.TS Trần Vũ Phến (Khoa Bảo vệ thực vật Trường Đại học Cần Thơ) về tính cần thiết và ý nghĩa khoa học thực tiễn của công trình này: “Bệnh đạo ôn được đánh giá là một dịch hại quan trọng trên lúa và đã có nhiều kết quả nghiên cứu về phòng trừ sinh học bệnh này được công bố, nhưng hầu hết được thực hiện trong môi trường không nhiễm mặn. Nhiều chủng xạ khuẩn có hiệu quả kiểm soát sinh học hiệu quả bệnh đạo ôn lúa đã được xác định, nhưng hiệu quả của chúng trong điều kiện môi trường nhiễm mặn vẫn chưa được làm sáng tỏ. Môi trường phi sinh học thường có ảnh hưởng đến hiệu quả phòng trừ của các tác nhân đối kháng, tuy nhiên có ảnh hưởng như thế nào trong trường hợp bệnh đạo ôn trên lúa gần như vẫn chưa có nghiên cứu nào được công bố… Nghiên cứu của tác giả nhằm xác định các chủng xạ khuẩn có thể hoạt động hiệu quả trong quản lý bệnh đạo ôn trên cây lúa canh tác trong môi trường nhiễm mặn là cần thiết và cấp bách và có ý nghĩa thực tiễn trong quản lý dịch bệnh theo qui trình quản lý tổng hợp mang lại ích lợi thiết thực cho nông dân, góp phần tăng hiệu quả và tính bền vững của sản xuất lúa ở điều kiện nhiễm mặn”.

Hình: Bệnh đạo ôn hại lúa và hai chủng xạ khuẩn phòng trị hiệu quả bệnh đạo ôn hại lúa ở vùng đất nhiễm mặn.

  1. Vết bệnh đạo ôn trên cổ bông lúa

  2. Xạ khuẩn S17-MBL (Streptomyces lavendulae)

  3. Xạ khuẩn S09- MBL (Streptomyces bikiniensis)

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024, sẽ tiếp tục được các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như những cá nhân đam mê sáng tạo trong cả nước nhiệt tình ủng hộ và tham gia. Trong nhiều năm qua, Quỹ VIFOTEC và các bộ, ngành hữu quan đã tổ chức Giải thưởng và đã có hàng trăm công trình tiêu biểu được tôn vinh. Nhiều công trình đoạt giải đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được vừa qua. Tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ đến tất cả các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên…. thu hút các nguồn lực sẵn có, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa hoạt động KHCN với đời sống thực tiễn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của địa phương.

Tin và ảnh: Trang Thanh – LHH Bạc Liêu

02913822653
mail@blu.edu.vn